Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

10/08/2022
Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

Vu Lan là ngày của các nước Á Đông thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, với mục đích lễ tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Theo quan niệm của Phật giáo rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Kinh Vu Lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan

Sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng rằm tháng Bảy có sự giao thoa giữa các yếu tố của tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Phật giáo. Trong đó Phật giáo thể hiện thông qua Vu Lan báo hiếu, nghi lễ này được thực hành tại nhà và ở chùa.

Mâm cúng cỗ gia tiên ngoài đồ mặn, đồ chay, còn có đồ mã như tiền, vàng, bạc, ngựa, trang sức… Nhiều địa phương cúng gia tiên có thể tiến hành từ ngày mùng 7 trở đi, không nhất thiết phải cúng vào đúng hôm rằm.

Tại chùa người ta tổ chức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Hiện nay ngoài những nghi lễ truyền thống, vào dịp lễ Vu Lan khi đến chùa người ta sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.

Như vậy lễ Vu Lan báo hiếu là một tục lệ gắn với Phật giáo, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người Việt. Lễ thức cúng trong dịp Vu Lan bao gồm thực hành tại gia và tại chùa, lễ vật dâng cúng đơn giản, miễn sao thể hiện sự thành tâm là được.

Nguồn: báo Lao động

Viết bình luận của bạn:
0386.19.86.86
Liên hệ qua Zalo
Messager